Cá cược xổ số
//psj-co.com/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 11/02/2024 02:36
Giảng viên Bùi Anh Hòa, Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Vật liệu, Trường Vật liệu là tân giáo sư duy nhất ngành Luyện kim Việt Nam năm 2023. Trò chuyện cùng Đặc san Bách khoa Hà Nội, GS. Hoà đã chia sẻ về tình cảm với Bách khoa, lòng tri ân những thầy giáo đi trước đã dìu dắt, bồi dưỡng anh có ngày hôm nay... cùng câu chuyện bắt đầu ngày làm việc sớm hơn 1 tiếng rất thú vị.
Đam mê nghề giáo từ những câu chuyện thuở bé
Ngày còn bé, anh Hòa rất hứng thú đọc truyện về những bác sỹ, kỹ sư,... thời chiến, nhưng đặc biệt ấn tượng với nghề giáo – những người đưa đò. “Lúc đó, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà giáo”, tân giáo sư cho hay.
Đầu những năm 90, thông tin hướng nghiệp không nhiều, nhưng Bách khoa Hà Nội rất nổi tiếng, là một tượng đài trong các cơ sở giáo dục về khoa học - kỹ thuật của cả nước. Ở làng Thanh Trì khi ấy, dòng họ anh có tiếng hiếu học. “Cả gia đình tự hào khi tôi nhận tin trở thành sinh viên Bách khoa Hà Nội”, GS. Anh Hòa kể về những ngày đầu chuẩn bị nhập học.
Sau khi tốt nghiệp, anh được các thầy giữ lại trường công tác. Thời gian đó, số lượng người ở lại trường không nhiều, với mức lương 350-400 nghìn đồng, hơn 1 chỉ vàng khi ấy.
Nhưng anh không quan tâm nhiều: “Được về trường, tôi vui lắm! Tôi chỉ biết mình lại tiếp tục được làm việc trong môi trường đại học, được đọc sách, làm thí nghiệm cùng những cây đa, cây đề trong ngành Luyện kim”.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ tại Bách khoa Hà Nội, anh trở thành một trong những nghiên cứu sinh Việt Nam đầu tiên của Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc).
Đây là một giai đoạn khó khăn khi mạng internet chưa phổ biến và cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc không nhiều, nên sự lạ lẫm về văn hóa và phong cách làm việc là khó tránh khỏi. Làm việc trong phòng thí nghiệm đến 10 giờ tối không phải là hình ảnh hiếm đối với các nghiên cứu sinh. Trong 2 năm đầu, anh phải thay đổi đề tài nhiều lần do giáo sư hướng dẫn chỉ định tham gia vào các nhóm nghiên cứu khác nhau.
Cậu nghiên cứu sinh khi ấy phải dần làm quen và điều chỉnh để bắt kịp với nhịp làm việc mới. May mắn, anh được nhận đến làm thí nghiệm ở Trường POSTECH – một trong những đại học khoa học công nghệ nổi tiếng ở Hàn Quốc. Khi anh tốt nghiệp, giáo sư hướng dẫn trực tiếp ở POSTECH rất ngạc nhiên vì từ lúc được giao đề tài đến khi bảo vệ chỉ vỏn vẹn 2 năm rưỡi mà anh vẫn đáp ứng đươc yêu cầu đối với nghiên cứu sinh về công bố 3 bài báo trên tạp chí SCI.
Các nghiên cứu sinh sau này của giáo sư kể lại, thầy vẫn giữ lại bản thảo đầu tiên anh viết về tổng quan nghiên cứu như một bản mẫu để thế hệ sau học tập. “Tôi trưởng thành bằng sự đam mê nghề nghiệp của các cây đại thụ trong Bộ môn Luyện kim đen và phong cách làm việc đầy nhiệt huyết của giáo sư hướng dẫn người Hàn”, Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Vật liệu bày tỏ. Anh vẫn ghi nhớ và làm theo lời dặn dò của giáo sư 20 năm về trước: “Hãy bắt đầu ngày làm việc sớm hơn 1 tiếng. 1 tiếng so với 1 ngày có thể không nhiều, nhưng nếu cộng cả 365 ngày sẽ được một khoảng thời gian đáng kể”.
Hạnh phúc trong ngôi nhà Bách khoa
Ngày đầu tiên học tại giảng đường dốc C1-101, anh Hòa cảm thấy bất ngờ vì chưa từng nhìn thấy giảng đường lớn như vậy khi còn học phổ thông. Cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in cảm giác vừa hồi hộp, vừa háo hức của những ngày đầu tại Bách khoa Hà Nội.
Gắn bó với mái trường này hơn 27 năm, anh cảm nhận được từng thay đổi của nơi đây. “Cơ sở vật chất khang trang hơn, sinh viên đông hơn, chỉ có chất Bách khoa là không đổi”, GS ngành Vật liệu khẳng định người Bách khoa vẫn giữ được sự nghiêm túc, công bằng nhưng gần gũi và thân tình.
Theo quan điểm của anh, với một giảng viên, nghiên cứu phải xuất phát từ trách nhiệm và đam mê. Nếu giảng dạy là truyền tải kiến thức, nghiên cứu là cơ hội để kết hợp lý thuyết với thực nghiệm để tổng hợp thành hệ thống, giúp mở rộng kiến thức, tư duy và tính sáng tạo. Có những nội dung trong sách tưởng chừng rất đơn giản, nhưng khi làm thực nghiệm mới nhận ra để thực hiện cần nhiều thời gian, công sức và kỹ năng về lắp đặt hệ thống, xử lý số liệu,...
Đam mê của người thầy sẽ thổi bùng đam mê của người học. Sinh viên Bách khoa có nhiều lợi thế với nền tảng học thuật, tư duy vững chắc. Nếu sinh viên Bách khoa có thể vượt qua những khó khăn trong học tập thì sẽ rèn luyện được tính nhẫn nại và kiên cường, dễ thích nghi với các môi trường khác dù khắc nghiệt.
Đối với GS. Bùi Anh Hoà, thành lập Trường Vật liệu là chủ trương đúng đắn của Đại học, đánh dấu một bước thành công và thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo cũng như đội ngũ giảng viên làm việc trong lĩnh vực này. Sự kết hợp giữa các đơn vị ngành Vật liệu sẽ thắt chặt liên kết về đào tạo và nghiên cứu, tạo tiền đề để phát triển theo xu hướng chung của thế giới.