Home - Cá đánh xổ số

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nông nghiệp

Thứ năm - 17/12/2015 16:40

“Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, tích cực tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại khu vực và thế giới thì việc các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh được coi là yếu tố sống còn” – ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - ATE cho biết tại Hội thảo “Hỗ trợ đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp nông nghiệp” vừa diễn ra ngày 17/12/2015 tại khách sạn Sofitel, Hà Nội.

Hội thảo do Công ty BK-Holdings, Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE), các quỹ hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo (dự án: FIRST, VIIP, IPP…), tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) – chương trình hỗ trợ phát triển chính thức ODA được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, với mục đích chia sẻ thông tin về cơ hội cũng như cách tiếp cận đầu tư từ các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.


TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc BK- Holdings phát biểu tại Hội thảo 

Theo khảo sát của Dự án Vườn ươm Sáng tạo Việt Nam (V2I) do BK-Holdings thực hiện, các DN vừa và nhỏ trong khu vực nông nghiệp nông thôn đã bắt đầu chuyển dịch từ sản xuất nguyên liệu thô sang chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao nhằm xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Mặc dù vậy, theo đánh giá của TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc BK- Holdings, việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa tính đến sự khan hiếm của các nghiên cứu thị trường và khó khăn của DN khi tiếp cận nguồn vốn cho việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam cũng như tiếp cận thị trường quốc tế.

Đồng thời, nhiều DN chưa sẵn sàng cho việc đầu tư và hướng tới thị trường quốc tế, thiếu khả năng chuyên môn để tiếp thu hiệu quả, hưởng lợi từ các cải tiến công nghệ; đặc biệt là không có khả năng tiếp cận thông tin liên quan ở thị trường quốc tế. Mặt khác, việc tiếp cận của các DN vừa và nhỏ đến các dịch vụ tư vấn ĐMST vẫn còn hạn chế, chất lượng của các dịch vụ này cũng không được đảm bảo. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng.

 

 

Hiện, có nhiều chương trình tại Việt Nam nhằm hỗ trợ đổi mới về khoa học công nghệ như Chương trình IPP, Dự án đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST), Dự án ĐMST hướng tới người có thu nhập thấp (VIIP) và Trung tâm Sáng tạo Khí hậu Việt (VCIC), đã tài trợ khoảng 190 triệu USD cho các hoạt động ĐMST tại Việt Nam. Dự án V2I nhằm hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu chuỗi giá trị thực phẩm tại Đồng bằng sông Hồng, hỗ trợ các DN tiếp cận các công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình chế biến… Từ tháng 8/2015, Dự án V2I của BK-Holdings được IPP tài trợ hoạt động cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã trao đổi và nhận định ĐMST là việc cần phải làm đối với tất cả các DN, đặc biệt là các DN nông nghiệp. DN cần mạnh dạn mở rộng hợp tác với các nhà nghiên cứu để phát triển sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đào tạo đội ngũ nhân viên; hoàn thiện hồ sơ pháp lý và quảng bá sản phẩm ra thị trường… Hội thảo tạo cơ hội cho các tổ chức và dự án giới thiệu các thông tin nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời các doanh nghiệp (Hamona, The Garden, VMC Việt Nam…) chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng ĐMST và áp dụng KHCN vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây