Home - Cá đánh xổ số

Ưu tiên nghiên cứu nguồn năng lượng mới để phát triển bền vững

Thứ hai - 14/11/2016 21:21

“Việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới thay thế trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tốn kém trong khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu, ngày càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh nêu bật trong phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc “Hội nghị quốc tế về công nghệ năng lượng bền vững” (The 4th IEEE International Conference on Sustainable Energy Technologies - ICSET 2016), diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 đến 16/11/2016.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị ICSET 2016

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị ICSET lần thứ 4 thu hút sự tham dự của hơn 80 nhà nghiên cứu và học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới (Mỹ, Đức, Úc, Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Niu-Di-Lân, Đan Mạch, Đài Loan, Việt Nam...). Hội nghị do Phân ban Điện công nghiệp và Điện tử công suất Singapore (IAS/PELS Joint Chapter - IEEE Singapore Section) và Hội Kỹ sư Điện - Điện tử quốc tế tại Việt Nam (IEEE Vietnam Section) phối hợp tổ chức, với sự bảo trợ của Trường ĐHBK Hà Nội. Đến dự phiên khai mạc có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; PGS Tạ Cao Minh, Trường ĐHBK Hà Nội - Chủ tịch Hội nghị; GS Sanjib Kumar Panda, ĐH Quốc gia Singapore – Trưởng ban Tổ chức; TS Vũ Thành Long – Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ)...

Công nghệ năng lượng: “tháo nút thắt” cho bài toán môi trường và phát triển bền vững

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển trong việc giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Cụ thể như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) ở quy mô công nghiệp; thúc đẩy các dự án kinh doanh sử dụng NLTT…

Thứ trưởng đánh giá Hội nghị quốc tế là một hoạt động ý nghĩa, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực năng lượng vì sự phát triển bền vững. Thứ trưởng hy vọng: “Hội nghị ICSET 2016 là diễn đàn cho các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam giới thiệu, công bố cũng như giao lưu chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, công nghệ mới liên quan đến NLTT; đồng thời là cầu nối tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam với các nhà khoa học uy tín của thế giới”.

Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị nhận được 120 báo cáo khoa học của hơn 250 nhà nghiên cứu đến từ 26 quốc gia trên thế giới, với số báo cáo được chấp nhận là 61 (một tỷ lệ rất khắt khe theo chuẩn của các Hội nghị quốc tế chất lượng), trong đó có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao. Ngoài ra, Hội nghị đã mời được các giáo sư hàng đầu thế giới trình bày 4 báo cáo toàn thể và 10 báo cáo mời với 2 phiên toàn thể và 12 phiên kỹ thuật tập trung hơn 30 chủ đề đa dạng “bao phủ” hầu khắp các lĩnh vực công nghệ năng lượng như: quang điện và năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, ứng dụng công nghệ nano…

Trường đại học – viện nghiên cứu – công nghiệp cùng bắt tay hợp tác

Đa số những báo cáo khoa học được trình bày tại Hội nghị đều được nghiên cứu, phát triển bởi những nhà khoa học trẻ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế và trong nước. Một số kết quả đã được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống. Đáng chú ý, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - GS Konstantin Turitsyn đã giới thiệu về các công cụ toán học thế hệ mới cho mạng lưới điện thông minh và bền vững - một giải pháp nhằm phòng ngừa các sự cố xảy ra trong lĩnh vực năng lượng. Nhiều diễn giả khác cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới.


GS Konstantin Turitsyn

Dưới góc độ là một trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam với bề dày 60 năm hình thành và phát triển, PGS Hoàng Minh Sơn cho biết: “Năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm được Trường ưu tiên chú trọng và phát triển. Bởi vấn đề NLTT phục vụ sự phát triển bền vững không chỉ là mối quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam mà còn có quy mô toàn cầu trong hiện tại và tương lai. Trường tự hào có những nhà khoa học đầu ngành, các diễn giả được đào tạo và trưởng thành từ Trường tham gia trình bày các công trình NCKH tại Hội nghị lần này”. Hiệu trưởng hy vọng Hội nghị sẽ là diễn đàn chia sẻ, thảo luận, thiết lập các ý tưởng, tăng cường mối liên kết với các trường đại học – viện nghiên cứu – công nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ năng lượng.

Hội nghị quốc tế ICSET 2016 đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia không chỉ giao lưu trao đổi học thuật, tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, xu hướng đổi mới công nghệ, giải quyết thách thức trong lĩnh vực công nghệ năng lượng đang diễn ra mà còn thúc đẩy mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với đối tác doanh nghiệp; nhằm phục vụ sự phát triển KH&CN của Việt Nam hiện nay cũng như phát triển bền vững trong tương lai.

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây