Home - Cá đánh xổ số

Bế mạc đợt đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA

Thứ tư - 05/06/2019 20:51

Sáng nay (6/6/2019), sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định về tổ chức của AUN-QA, Lãnh đạo Trường ĐHBK Hà Nội, Phòng QLCL và tập thể đội ngũ các Viện làm báo cáo tự đánh giá cho 4 chương trình đào tạo (CTĐT) đã có buổi sơ kết với Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài về những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần khắc phục, hoàn thiện theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của 4 chương trình kỹ thuật (Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật Cơ khí động lực và Kỹ thuật Sinh học).

 

Đoàn đánh giá làm việc tại Viện Cơ khí động lực

Trong thời gian kiểm định, các chuyên gia đã khảo sát, đánh giá năng lực cơ sở vật chất của Trường như thư viện, ký túc xá, trung tâm y tế, trung tâm thể thao, phòng học xây dựng bài giảng E -learning. Đoàn làm việc trực tiếp với các Viện đào tạo, kiểm tra các phòng thí nghiệm phục vụ CTĐT và tập trung phỏng vấn các đối tượng có liên quan, bao gồm các phiên: lãnh đạo Viện, giảng viên, cán bộ phục vụ giảng dạy, sinh viên, cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng và cán bộ các phòng ban liên quan. Các buổi phỏng vấn tập trung đánh giá về các vấn đề: Hệ thống thông tin hoạt động và quản lý của Trường; Mục tiêu và quan điểm đào tạo, tính nhất quán về mục tiêu đào tạo với chiến lược phát triển chung của Trường; Cách tiếp cận và xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra; Chính sách hỗ trợ người học trong sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, kỹ năng làm việc và cơ hội việc làm; Kết nối và hợp tác với nhà tuyển dụng nhằm tăng cường tính thực tiễn, trải nghiệm; Cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng môn học cùng các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Đoàn đánh giá kiểm tra cơ sở vật chất của Trường tại Thư viện

Kết thúc đợt đánh giá, các chuyên gia cũng báo cáo sơ bộ, những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần khắc phục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của 4 CTĐT tham gia kiểm định. Trưởng Đoàn đánh giá – PGS. Myrna S. Austria cho biết, các chương trình có sự cải tiến liên tục, có sự gắn kết giữa chuẩn đầu ra với nội dung chuyên môn, kiến thức tổng quát, và các kỹ năng cần thiết với nội dung được phân bổ hợp lý. Đoàn ấn tượng với chất lượng đội ngũ cán bộ của các CTĐT có tỷ lệ giảng viên tiến sĩ khá cao so với các trường đã được đánh giá. Hầu hết cán bộ Phòng, Ban và giảng viên đều có thể trao đổi bằng tiếng Anh trong quá trình phỏng vấn. Sinh viên chuyên ngành được tạo điều kiện để học tập, trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực và chuyên môn cũng như phát huy tính sáng tạo của mình thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Chất lượng đầu vào của sinh viên được đảm bảo thông qua kỳ thi đại học mang tính quốc gia. Trường cải tiến và mở rộng chính sách, điều kiện hỗ trợ sinh viên, đa dạng hóa các loại học bổng từ ngân sách của Trường và các doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao và đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng CTĐT, các chuyên gia đánh giá của AUN đề nghị: tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa trong công tác hỗ trợ, tư vấn cho những sinh viên mới, giúp các em làm quen và vượt qua khó khăn trong môi trường học tập mới; tổ chức nhiều hoạt động tập thể hơn nữa để sinh viên có cơ hội sử dụng, nâng cao kĩ năng mềm; nâng cao khai thác hiệu quả hơn nữa thế mạnh từ quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư các trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu; tăng cường vai trò của các cựu sinh viên trong mối liên hệ với Trường. Khu vực ký túc xá sinh viên cần chú trọng nâng cấp, cải tạo.

Phát biểu bế mạc chương trình làm việc, PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cảm ơn tinh thần làm việc trách nhiệm và chuyên nghiệp của các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN; đồng thời đánh giá cao những phân tích, nhận định Đoàn đánh giá về điểm mạnh và điểm tồn tại cần cải tiến của các CTĐT trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của AUN-QA. Kết quả sơ kết, Đoàn đã ghi nhận các thế mạnh của Trường trong nỗ lực đổi mới và cải tiến liên tục CTĐT đáp ứng xu thế phát triển khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực của xã hội, tạo động lực, khuyến khích cán bộ, giảng viên Trường tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy ngày càng tốt hơn. Phó Hiệu trưởng khẳng định sẽ chú trọng các hoạt động hậu kiểm để nâng cao chất lượng đào tạo, môi trường học tập và sáng tạo cũng như năng lực nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển Trường ĐHBK Hà Nội theo định hướng đại học nghiên cứu. Các CTĐT khác của Trường sẽ tiếp tục được triển khai đánh giá nội bộ và đánh giá ngoài trong thời gian tới với mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc gia và quốc tế.

Cẩm Lệ
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây