Home - Cá đánh xổ số

Khí phách “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - Bản anh hùng ca mùa Đông năm 1946

Thứ ba - 20/12/2016 14:39

Tối 16/12, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016) do Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức đã diễn ra trọng thể tại Hội trường C2.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Lê Mã Lương; nhà sử học Lê Văn Lan; PGS Hoàng Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS Trần Văn Tớp - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS Phạm Hoàng Lương - Phó Hiệu trưởng; PGS Bùi Quốc Thái - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; PGS Vũ Duy Hải - Bí thư Đoàn Thanh niên; TS Bùi Thị Tuyết Loan - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường; sinh viên Đoàn Quang Trung - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường, đại diện lãnh đạo các đơn vị, Phòng, Ban, Khoa, Viện và đông đảo sinh viên.

PGS Trần Văn Tớp phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo Đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

Nhà sử học Lê Văn Lan và các vị khách mời chia sẻ
những câu chuyện lịch sử thú vị

Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.

"Cuộc chiến đấu ngoan cường 60 năm ngày đêm giam chân địch ở Hà Nội là khoảng thời gian tuy không dài so với lịch sử của Thủ đô và đất nước, song tầm vóc và ý nghĩa của cuộc chiến đấu mãi mãi là một niềm tự hào, bản anh hùng ca về ý chí quật cường, tinh thần gan dạ dũng cảm của người Hà Nội" - PGS Trần Văn Tớp tự hào chia sẻ tại Lễ kỷ niệm.

Nếu như nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ những ấn tượng về tuổi thơ đầy hào hùng của "người Hà Nội" đứng lên "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", thì thiếu tướng Lê Mã Lương lại kể về những câu chuyện lịch sử, về những ngày tháng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Từ lúc ông tình nguyện đi bộ đội lúc 17 tuổi đến khi trở thành anh hùng quân đội khi vừa tròn 21 tuổi. PGS Bùi Quốc Thái mang đến những tháng ngày đầy tự hào của học sinh, sinh viên Hà Nội gác bút nghiên lên đường nhập ngũ.

Thế hệ trẻ Bách Khoa lắng nghe chia sẻ của các vị khách mời

Thông qua những câu chuyện, nhân vật lịch sử, tuổi trẻ Bách Khoa có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của dân tộc qua lời kể chân thực của thiếu tướng Lê Mã Lương, lối phân tích tỉ mỉ, sâu sắc và những câu chuyện bi tráng nhưng đầy tính nhân văn của nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Lan đã làm cho sinh viên càng có thêm lòng yêu nước, tự hào về dân tộc. Qua đó càng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến nhưng trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ ngày nay trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại là phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn. Đó là ý chí và khát vọng của nhân dân cả nước cũng như của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau.

Sáng Nguyễn
Ảnh: Trường Giang

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây