Home - Cá đánh xổ số

Cơ hội nghề nghiệp từ mô hình đào tạo thạc sĩ “liền mạch” của ĐHBK Hà Nội

Thứ tư - 18/04/2018 16:26

Mô hình đào tạo tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ (5,5 năm) là một trong những hoạt động đổi mới của Trường ĐHBK Hà Nội nhằm tạo điều kiện để sinh viên có thể tiết kiệm thời gian học tiếp lên bậc học cao hơn với hiệu quả và chất lượng tốt nhất.

Mô hình đào tạo tích hợp đáp ứng công nghiệp 4.0

Câu hỏi “Tại sao nên học sau đại học?” của nhiều bạn sinh viên đã được PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng giải thích trong chương trình “Học thạc sĩ – Cơ hội học bổng và nghề nghiệp tương lai” được tổ chức vào ngày 18/4/2018 tại Trường ĐHBK Hà Nội. PGS Hoàng Minh Sơn cho biết, sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên sự thay đổi lớn, tác động tới nhiều lĩnh vực và đặt ra yêu cầu phải có đội ngũ nhân lực trình độ cao, nắm vững kiến thức khoa học công nghệ cốt lõi và kỹ năng quản trị cơ bản. Do đó, theo học chương trình đào tạo tích hợp của Trường ĐHBK Hà Nội, người học sẽ có cơ hội phát triển sự nghiệp, phát huy tài năng đóng góp cho đất nước, đặc biệt cho chính bản thân mình như nâng cao sự thành công và tăng thu nhập.


Sinh viên đặt câu hỏi về những cơ hội từ mô hình đào tạo tích hợp tại Chương trình 

Tuy nhiên, nếu các sinh viên ưu tú, cử nhân, kỹ sư tương lai sau khi tốt nghiệp đại học tìm công việc ổn định rồi mới quay trở lại học thạc sĩ sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với học “liền mạch”. Chính vì vậy, Trường ĐHBK Hà Nội đã đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp bậc đại học và sau đại học, đảm bảo tính liên thông kiến thức, bậc học, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên năm cuối đại học lập kế hoạch học thạc sĩ để có thể tốt nghiệp trong thời gian ngắn nhất. Mô hình đào tạo Cử nhân – Thạc sĩ (4+1,5) với thời gian đào tạo thạc sĩ là 1,5 năm đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân và Kỹ sư - Thạc sĩ (5+1) với thời gian đào tạo thạc sĩ là 1 năm đối với học viên tốt nghiệp kĩ sư. Chương trình đào tạo tích hợp sẽ tập trung định hướng người học theo con đường nghiên cứu (thạc sĩ khoa học).

Chương trình tích hợp này được thiết kế dành cho những sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi như Tự động hóa, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Robotics, Internet Vạn vật (IoT), Cảm biến và vi hệ thống, công nghệ nano... với năng lực cạnh tranh trong thị trường nhân lực toàn cầu.


Các Viện đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội tư vấn tuyển sinh sau đại học

Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên Trường ĐHBK Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Kỹ thuật – Công nghệ  (Master of Engineering Technology Management - ETM) nhằm đào tạo người học trở thành những chuyên gia công nghệ, những nhà quản lý, lãnh đạo có kiến thức chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại, am hiểu về kinh tế quản lý, quản trị, xây dựng dự án và công nghệ thông tin theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội nghề nghiệp với thu nhập cạnh tranh

Là khách mời trong Chương trình “Học thạc sĩ: Cơ hội học bổng và nghề nghiệp tương lai”, ông Đoàn Anh Tuấn – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam cho biết: “Samsung Display đánh giá cao đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo từ Trường ĐHBK Hà Nội về năng lực làm việc và giữ các vị trí nhân sự chủ chốt. Để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy thông minh tại Việt Nam, Samsung Display có nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt là những thạc sĩ có trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới. Do vậy, Công ty luôn chào đón các nhân tài trẻ để trao các cơ hội nghề nghiệp tốt và mức thu nhập cạnh tranh”. Đồng thời, Công ty sẽ tạo điều kiện hỗ trợ học bổng cho các học viên cao học trong chương trình tích hợp của Trường ĐHBK Hà Nội tham gia nghiên cứu trong các dự án hợp tác giữa hai bên. Cũng trong Chương trình, ông Đào Cường Việt – Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH LG Innoteck Việt Nam (phụ trách mảng LED và phụ tùng ôtô của Tập đoàn LG, đồng thời là nhà cung cấp độc quyền cụm camera cho iPhone 7 của hãng Apple) đã chia sẻ các chính sách tuyển dụng, hợp tác trong đào tạo với Trường ĐHBK Hà Nội.


Ông Đoàn Anh Tuấn – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH
Samsung Display Việt Nam 
giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng và hỗ trợ học bổng

Những chia sẻ của các tập đoàn lớn về công nghệ này là một trong nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho các thạc sĩ được đào tạo từ chương trình tích hợp của Trường ĐHBK Hà Nội. Tham gia chương trình “Học thạc sĩ - Cơ hội học bổng và nghề nghiệp tương lai”, các bạn trẻ không chỉ được tư vấn những thông tin hữu ích nhằm định hướng con đường để tiếp bước đam mê mà còn khám phá tri thức mới, trang bị kiến thức chuyên môn đa lĩnh vực hoàn thiện, chuẩn bị năng lực chuyên môn nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo điều kiện và khai thác cơ hội tốt nhất cho bản thân trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số thông tin về Chương trình đào tạo thạc sĩ tích hợp

  • Bắt đầu triển khai từ năm 2017 (ngay sau khi Trường ĐHBK Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm xét tuyển thẳng cao học đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá trở lên, đáp ứng chuẩn ngoại ngữ tương đương B1).
  • Đối tượng: sinh viên đại học với học lực Khá từ cuối năm thứ 3 và thứ 4 tham gia trong các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực hiện đề tài NCKH cùng với giảng viên hướng dẫn.
  • Ưu điểm của chương trình:

     - Tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực nghiên cứu và chất lượng của đề tài luận văn

      - Được bố trí làm việc cùng các nhóm nghiên cứu tại các PTN, thực hiện luận văn theo đề tài nghiên cứu từ kinh phí Nhà nước, Trường hoặc doanh nghiệp tài trợ (Đối với học viên tham gia chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu)

    - Cơ hội nhận học bổng từ các đề tài nghiên cứu, cơ hội trao đổi hoặc chuyển tiếp nghiên cứu tại các trường đối tác nước ngoài

      - Học viên có công trình công bố quốc tế được miễn giảm học phí (100% đối với tác giả chính bài báo tạp chí ISI Q1, 50% đối với tác giả chính bài báo SCopus).

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây