Home - Cá đánh xổ số

Quản trị đại học dưới góc nhìn của nhà giáo dục Giản Tư Trung

Thứ ba - 02/10/2018 19:44

“Đại học thì phải khác với trường nghề, khác với doanh nghiệp, khác với trại tuyên huấn, khác với nơi truyền giáo, khác với lò bán bằng. Vì nếu đại học chỉ là nơi dạy nghề, nó nên được gọi là trường nghề. Đại học phải khác với doanh nghiệp, nếu không đã được gọi là công ty. Tương tự, đại học không phải là nơi để nhồi nhét cho sinh viên những kiến thức giáo điều ấu trĩ như ở trại tuyên huấn. Và tất nhiên, đại học có thể dạy về các tôn giáo như một loại tri thức văn hóa nhưng không nên là nơi truyền giáo, nơi phát triển tín đồ” – đó là chia sẻ của thầy Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE tại buổi tọa đàm với cán bộ, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội khi bàn về quản trị đại học vào ngày 02/10/2018 tại phòng Hội thảo C2.


Tại buổi tọa đàm, thầy Giản Tư Trung làm rõ thế nào là quản trị đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm rõ vấn đề này, thầy phân tích, đưa ra những khái niệm mới về thời đại 4.0 là gì? Giáo dục là gì? Quản trị là gì? Theo thầy, thời đại 4.0 là cuộc cách mạng gắn với internet, số hóa, trí tuệ nhân tạo. Đây là kỷ nguyên của IoT, AI, tri thức, hội nhập. “Chúng ta đang sống ở một thế giới biến động, chóng mặt và khôn lường. Mọi chuẩn mực bị đảo lộn, mọi giá trị bị thách thức, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần sống như thế nào? Làm việc ra sao? Và quản trị như thế nào?” - thầy Trung khéo léo đặt vấn đề.

Thầy Giản Tư Trung chia sẻ tại buổi tọa đàm

“Giáo dục có phải là hàng hóa? Sinh viên có phải là khách hàng?” cũng là vấn đề được nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đặt ra để thầy, trò Bách khoa thảo luận. Có nhiều quan điểm khác nhau: nếu hiểu giáo dục là điểm số và bằng cấp, khóa học thì giáo dục là hàng hóa; còn nếu hiểu giáo dục là nền tảng văn hóa, năng lực chuyên môn thì giáo dục không phải là hàng hóa. Nói một cách khác, “giá trị giáo dục” hay “năng lực và phẩm hạnh, văn hóa” là những thứ không bao giờ có thể mua được bằng tiền, cho dù rất nhiều tiền. Người ta có thể bỏ tiền ra để mua “bằng cấp”, chứ không thể mua được “đẳng cấp”. Người ta có thể bỏ tiền ra để mua một khóa học, chứ không mua được “năng lực” hay “văn hóa” của chính bản thân mình. Để xã hội phát triển thì chúng ta phải xây dựng được “đạo học”. Có nghĩa là mỗi người cần thực học để làm người và làm nghề. 

Đông đảo cán bộ, giảng viên Trường đến tham dự buổi tọa đàm

Theo thầy Trung, đại học được phân loại thành đại học nghiên cứu (đại học tinh hoa), đại học dạy nghề, đại học cộng đồng. Đại học tinh hoa là trường đạt 3 tiêu chí: (1) thấm đẫm “tinh thần đại học”, dẫn dắt xã hội về tinh thần trí tuệ, tư tưởng, theo đuổi chân lý, đại diện lương tri của con người; (2) Đào tạo ra “con người quốc tế”: đào tạo ra những con người có khả năng sống đoàng hoàng và làm việc thành công với công việc đòi hỏi nhiều chất xám ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới; (3) Nghiên cứu ra “tri thức quốc tế”: được thể hiện qua các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín quốc tế.

Với những chia sẻ của thầy Giản Tư Trung về đại học, quản trị đại học đã gợi mở cho thầy trò Bách khoa nhiều vấn đề cần phải làm trong bối cảnh hiện nay khi Trường đang triển khai các quy chế quan trọng, chuẩn bị đề án không có Bộ chủ quản. 

Một số thông tin về thầy Giản Tư Trung

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung hiện là:

  • Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE (nơi đồng hành với sự học của doanh nhân và doanh giới);
  • Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED (là tổ chức nghiên cứu giáo dục độc lập và phi lợi nhuận);
  • Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (tổ chức văn hóa-giáo dục phi chính phủ và phi lợi nhuận, hiện do Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Chủ tịch);
  • Giám đốc Sáng kiến OpenEdu (Tiếp sức cho hành trình “tự lực khai phóng” của mỗi người);
  • Chủ nhiệm Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL (chương trình học bổng toàn phần về “giáo dục khai phóng” và “phát triển lãnh đạo” dành cho những người trẻ ưu tú tuổi từ 22-27);
  • Trưởng Ban Tổ chức giải thưởng sách hay thường niên (giải thưởng dân lập đầu tiên về sách có quy mô do độc giả/đại chúng và học giả/chuyên gia bình chọn).

Hiện ông cũng là Ủy viên Hội đồng Điều hành của Hội Giáo dục So sánh châu Á, Nhà nghiên cứu hợp tác của Đại học Giáo dục Hong Kong và là thành viên Hội Nghiên cứu Giáo dục quốc gia Hoa Kỳ.

Song song với các vai trò sáng lập, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết, viết báo, ông còn là người khởi xướng việc xây dựng 3 tủ sách: “Tủ sách Doanh trí” (dành cho doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho giáo giới), và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho đại chúng); chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới” (15 cuốn, NXB Trẻ, 2007).

Và đặc biệt là tác giả của cuốn sách “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” (NXB Tri Thức, 2015). Sau 3 năm ra mắt, cuốn sách “Đúng Việc” của ông đã được tái bản 3 lần và được độc giả đón nhận với số lượng phát hành hơn 150 ngàn bản in.

Vì những đóng góp của ông cho giáo dục, ngày 12/3/2013, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) đã vinh danh ông là "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" trong vai trò là một “Nhà hoạt động giáo dục”.

 

Bài và ảnh: Vũ Thơm

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây