Home - Cá đánh xổ số

PHẦN III: CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Chủ nhật - 13/11/2016 19:54

Câu hỏi 67. Vi phạm và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khác nhau thế nào?

Trả lời: Vi phạm được đề cập ở đây là vi phạm các quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Để quản lý lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Nhà nước đề ra các biện pháp quản lý như các quy định trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả, trong hoạt động dịch vụ và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Các quy định quản lý này nhằm đảm bảo sự ổn định, thống nhất trong quản lý nhà nước. Vì vậy, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định ở mức độ hành chính hay hình sự. Từ “vi phạm” thường kết hợp với tù “quy định quản lý”, “vi phạm quy định quản lý”.

Xâm phạm quyền được hiểu là xâm phạm các quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có những quyền nhất định do pháp luật quy định. Cá nhân, tổ chức nào sử dụng các quyền đó mà không được chủ thể quyền cho phép là xâm phạm quyền của họ. Từ “xâm phạm” thường kết hợp với “quyền sở hữu công nghiệp”, “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Câu hỏi 68. Những hành vi nào bị coi là vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Tổ chức, cá nhân có các hành vi dưới đây thì bị coi là hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp:

Vi phạm quy dịnh về thủ tục xác lập quyền.

Vi phạm quy định trong hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp.

Vi phạm trong hoạt động giám định.

Vi phạm về chỉ dẫn bảo hộ.

Vi phạm về nghĩa vụ bảo mật dữ liệu khi nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hoá phẩm.

Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước.

Cơ quan có thẩm quyền xử lý có trách nhiệm chứng minh tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên khi ra quyết định xử phạt (Nghị định 106/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 69. Đề nghị cho biết vi phạm trong việc quá trình xác lập quyền?

1. Sửa chữa, tẩy xóa văn bằng bảo hộ và tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp.

2. Cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch: Khi tiến hành thủ tục công nhận, chứng nhận, sửa đổi duy trì, gia hạn, yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực quyền sở hữu công nghiệp; khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế; khi khiếu nại, tố cáo trong việc xác lập, thực hiện quyền sở hữu công nghiệp; khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; khi giám định sở hữu công nghiệp và khi yêu cầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo xử phạt áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu với động cơ không lành mạnh, nhằm mục đích cản trở hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác (Điều 6 Nghị định 106/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 70. Đề nghị cho biết thế nào là vi phạm trong xác lập quyền?

Trả lời: Hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, gồm:

1. Không thông tin đầy đủ, trung thực thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho bên được đại diện; không giao kịp thời văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp, giấy chứng nhận và các quyết định khác cho bên được đại diện mà không có lý do chính đáng;

2. Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp các thay đổi về tên, địa chỉ và các thông tin khác của bên được đại diện.

3. Đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;

4. Tự ý rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại hoặc thực hiện các hành vi khác trong việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp mà không được phép của bên ủy quyền đại diện;

5. Lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng đại diện sở hữu công nghiệp;

6. Không thông báo hoặc thông báo không trung thực các khoản, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, các khoản và các mức phí dịch vụ đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp theo yêu cầu hợp pháp của khách hàng hoặc của cơ quan có thẩm quyền;

7. Vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin, tài liệu do khách hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền, tổ chức giám định sở hữu công nghiệp giao có liên quan đến vụ việc đang được giải quyết.

8. Cho mượn Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, sử dụng Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp vào những công việc không đúng chức năng;

9. Cố ý tư vấn, thông báo sai về các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, thông tin hoạt động sở hữu công nghiệp;

10. Cản trở tiến trình bình thường của việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan.

11. Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ này theo quy định của pháp luật.

12. Mạo danh cơ quan quản lý nhà nước, người của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp để thực hiện hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

13. Tiết lộ thông tin chưa được phép công bố của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quá trình tiếp nhận, thẩm định, xử lý các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

14. Có sai phạm nghiêm trọng trong khi hành nghề đại diện làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và xã hội – áp dụng đối với cá nhân người được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp (Điều 7 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 71. Thế nào là vi phạm trong trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Những hành vi dưới đây bị coi là vi phạm trong trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp:

1. Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục giám định; không thực hiện các nghĩa vụ của người trưng cầu, yêu cầu giám định và của người, tổ chức thực hiện giám định theo quy định của pháp luật về giám định;

2. Tiếp nhận và thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định;

3. Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật, kết luận giám định khi không đủ căn cứ hoặc căn cứ không phù hợp với vụ việc;

4. Tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan (Điều 8 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 72. Những hành vi nào bị coi là vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Những hành vi đưới đây bị coi là vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

1. Chỉ dẫn sai (kể cả chỉ dẫn dưới dạng ký hiệu) về chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; chỉ dẫn sai về việc sản phẩm, dịch vụ có yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; chỉ dẫn sai hoặc không chỉ dẫn về sản phẩm, hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; chỉ dẫn sai về tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp;

2. Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (Điều 9 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 73. Hành vi phạm nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm khi nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hoá phẩm có bị xử phạt không?

Trả lời: Thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo mật đối với dữ liệu kết quả thử nghiệm trong thủ tục xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hoá phẩm sẽ bị xử phạt (Điều 10 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 74. Hành vi nào bị coi là cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Các hành vi dưới đây bị coi là hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp:

1. Không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ các tài liệu, thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho người có thẩm quyền khi được yêu cầu.

2. Từ chối trái quy định việc thực hiện quyết định, yêu cầu thanh tra, kiểm tra;

3. Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc sai sự thật tài liệu, số liệu cần thiết cho việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền;

4. Cản trở, gây khó khăn hoặc trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra của người có thẩm quyền.

5. Lăng mạ, xúc phạm, làm nhục người có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp;

6. Cố ý trì hoãn, trốn tránh, không thi hành quyết định hành chính của người có thẩm quyền, không thực hiện các yêu cầu, kết luận, quyết định của Đoàn thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp.

7. Tự ý tháo gỡ, phá bỏ niêm phong, tự ý làm thay đổi hiện trường, thay đổi số lượng, chủng loại hàng hóa là tang vật vi phạm về sở hữu công nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra, niêm phong hoặc tạm giữ;

8. Tẩu tán, thủ tiêu tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra (Điều 11 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 75. Những hành vi nào bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Những hành vi dưới đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hưu công nghiệp:

1. Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội.

2. Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mặc dù đã được chủ sở hữu thông báo bằng văn bản, yêu cầu chấm dứt,

3. Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này,

4. Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này (Điều 211.1 Luật SHTT)

Câu hỏi 76. Đề nghị cho biết thế nào là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí?

Trả lời: Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm mục đích kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho xã hội hoặc không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu:

1. Sản xuất (chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói) sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

2. áp dụng quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế.

3. Khai thác công dụng (dùng trong hoạt động kinh doanh) sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế.

4. Bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế; sản phẩm xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.

5. Nhập khẩu sản phẩm xâm phạm quyền sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế; sản phẩm xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và sản phẩm có chứa thiết kế bố trí xâm phạm quyền.

6. Bán, cho thuê, tàng trữ để bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng các bản sao thiết kế bố trí xâm phạm quyền, sản phẩm, hàng hóa chứa thiết kế bố trí xâm phạm quyền, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm, hàng hóa chứa các đối tượng đó (Điều 12 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 77. Những hành vi nào bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại?

Trả lời: Những hành vi dưới đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại:

Thực hiện một trong các hành vi dưới đây đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội hoặc không chấm dứt hành vi vi phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu:

1. Gắn (in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng các hình thức khác) dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa.

2. Bán, vận chuyển, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại.

3. Nhập khẩu các loại hàng hóa, dịch vụ có yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại.

4. Sử dụng dấu hiệu trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa có yếu tố xâm phạm đối với tên thương mại.

5. Gắn (in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng các hình thức khác) lên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, bảng hiệu dấu hiệu vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (Điều 13 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 78. Sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vi phạm có bị coi là hành vi xâm phạm quyền không?

Trả lời: Thực hiện một trong các hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này mà không được chủ sở hữu quyền cho phép đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền và bị xử phạt (Điều 14 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 79. Những hành vi nào bị coi là sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Thực hiện một trong các hành vi dưới đây hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này thì bị coi là sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp.

1. Sản xuất, nhập khẩu, in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng các hình thức khác lên sản phẩm, bao bì, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý.

2. Vận chuyển, tàng trữ sản phẩm, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý.

3. Buôn bán, quảng cáo nhằm để bán, chào bán sản phẩm, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý (Điều 15 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 80. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm bí mật kinh doanh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì bị xử phạt theo quy định nào?

Trả lời: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm bí mật kinh doanh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Cụ thể là áp dụng Nghị định 120/2005/NĐ-CP để xử phạt (Điều 15 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

Câu hỏi 81. Để có thể kết luận một hành vi có phải là xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hay không phải căn cứ vào các điều kiện nào?

Trả lời: Để hành vi bị xem xét có bị coi là hành vi xâm phạm quyền không phải ứng đáp ứng đồng thời:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

2. Có các yếu tố xâm phạm quyền trong đối tượng bị xem xét.

3. Người thực hiện không phải là chủ thể quyền.

4. Hành vi bị xem xét xẩy ra tại Việt Nam.

Như vậy một trong các điều kiện phải xem xét là yếu tố xâm phạm quyền trong đối tượng nghi ngờ xâm phạm quyền (Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 82. Thế nào là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Yếu tố là bộ phận cấu thành sự vật, sự việc hoặc hiện tượng.

Yếu tố, trong việc đánh giá tình trạng xâm phạm quyên sở hữu công nghiệp là dấu hiệu (đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thưong mại), đặc điểm (đối với kiểu dáng công nghiệp), sản phẩm và quy trình (đối với sáng chế), thiết kế (đối với thiết kế bố trí).

Yếu tố xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ được xác định theo các văn bản pháp luật hiện hành về sở hữu công nghiệp là các dấu hiệu, đặc điểm, quy trình, sản phẩm, thiết kế của các đối tượng sở hữu công nghiệp bị nghi ngờ xâm phạm được sử dụng để so sánh với các yếu tố tương đương của các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ và là căn cứ để kết luận tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Để có thể đưa ra các kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì một nội dung rất quyết định là phải xác định có yếu tố xâm phạm hay không. Để có thể kết luận được phải tuỳ thuộc vào yếu tố xâm phạm của từng đối tượng sở hữu công nghiệp mà so sánh, xem xét giữa đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm với đối tượng, phạm vi và nội dung bảo hộ tại các văn bằng bảo hộ.

Câu hỏi 83: Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm về sáng chế?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế, thể hiện ở một trong ba dạng sau đây:

1. Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế,

2. Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.

3. Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế (Điều 8 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 84. Đề nghị cho biết thế nào là “sử dụng” sáng chế?

Trả lời: Sử dụng sáng chế là các hành vi:

1. Sản xuất sản phẩm được bảo hộ là sáng chế,

2. áp dụng quy trình được bảo hộ là sáng chế,

3. Khai thác công dụng của sản phẩm hoặc quy trình được bảo hộ là sáng chế,

4. Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông, nhập khẩu các sản phẩm được bảo hộ là sáng chế (Điều 124.1 Luật SHTT)

Câu hỏi 85. Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp là:

1. Trên sản phẩm, hoặc phần sản phẩm nghi ngờ có tập hợp đặc điểm tạo dáng hợp thành tổng thể là bản sao, hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm đang được bảo hộ.

2. Trên sản phẩm, bộ sản phẩm nghi ngờ có mặt tất cả đặc điểm tạo dáng, tạo thành bản sao, hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ. (Điều 10.3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Để đánh giá, cần phải xem xét phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Cần so sánh tất cả các đặc điểm của sản phẩm, bộ sản phẩm bị nghi ngờ với các đặc điểm tạo dáng thuộc phạm vi bảo hộ đã được xác định trong văn bằng. Chỉ kết luận xâm phạm khi có một trong các trường hợp nếu trên.

Công ty sứ T.T. sản xuất bệ xí kiểu VI 21 không khác biệt đáng kể, tạo thành bản sao so với kiểu dáng công nghiệp “bệ xí” của Công ty INAX đã đăng ký bảo hộ từ 23/4/2001. Công ty Honda VN đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho loại xe Future. Nhưng Công ty H. lắp ráp từ 9 đến 12 chi tiết tạo dáng cơ bản như kiểu dáng đã được bảo hộ lên 70 xe Hongchi TQ. Công ty T.H. cũng làm tương tự cho 122 xe Pomuspacyan TQ, Công ty D. T. cũng lắp ráp các chi tiết tạo dáng như kiểu dáng đã được bảo hộ cho 48 xe Mangstin TQ. Các chi tiết nêu trên đã tạo ra kiểu dáng là bản sao so với kiểu dáng đang được bảo hộ.

Cần lưu ý là sản phẩm, phần sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ cũng có thể có yếu tố xâm phạm quyền khi: sản phẩm đó, hoặc phần sản phẩm đó, có chứa thêm tập hợp các đặc điểm tạo dáng khác không thuộc phạm vi bảo hộ, nhưng hợp thành bản sao hoặc bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp thuộc chủ sở hữu khác.

Câu hỏi 86. Thế nào là “sử dụng” kiểu dáng công nghiệp?

Trả lời: “Sử dụng” kiểu dáng công nghiệp là các hành vi:

1. Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài được bảo hộ,

2. Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông, nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài được bảo hộ. (Điều 124.2 Nghị định 105/2006/ND-CP)

Câu hỏi 87. Những hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu?

Trả lời: Bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi không được chủ sở hữu đồng ý mà:

1. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký cho nhãn hiệu đó.

2. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan đã đăng ký cho nhãn hiệu đó nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

3. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự, hoặc liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đã đăng ký, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

4. Sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm cho hàng hoá bất kỳ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. (Điều 129.1 Luật SHTT)

Câu hỏi 88. Thế nào là hành vi “sử dụng” nhãn hiệu?

Trả lời: “Sử dụng” nhãn hiệu là hành vi;

1. Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh,

2. Lưu thông, chào bán, quảng cáo và tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ,

3. Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ (Điều 124.5 Luật SHTT)

Câu hỏi 89. Có trường hợp nào sử dụng nhãn hiệu mà không xâm phạm quyền của chủ thể quyền không?

Trả lời: Không phải là chủ thể quyền đối với nhãn hiệu mà sử dụng nhãn hiệu nhưng không bị coi là xâm phạm quyền của chủ thể quyền trong các trường hợp sau:

1. Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.

2. Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ. (Điều 125.2.g.h Luật SHTT)

Câu hỏi 90. Thế nào là dấu hiệu “trùng, tương tự, gây nhầm lẫn”?

Trả lời: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ khi thỏa mãn hai điều kiện sau:

1. Dấu hiệu nghi ngờ trùng khi có cùng cấu tạo (kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa) và cách trình bày, hoặc tương tự khi có một số đặc điểm hoàn toàn trùng hoặc tương tự đến mức không thể dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc so với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ.

2. Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất, hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng hệ thống tiêu thụ với hàng hóa thuộc danh mục, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, gây ấn tượng sai lệch người sử dụng dấu hiệu là chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc có mối liên hệ với chủ sở hữu nhãn hiệu (Điều 11.3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 91. Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn thuộc một trong hai dạng sau đây:

1. Thiết kế bố trí được tạo ra do sao chép trái phép thiết kế bố trí được bảo hộ.

2. Mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ.

3. Sản phẩm hoặc phần sản phẩm gắn mạch tích hợp bán dẫn được tạo ra trái phép. (Điều 9 Luật SHTT)

Câu hỏi 92. Những trường hợp nào coi là không xâm phạm quyền khi sử dụng thiết kế bố trí mạch tích hợp?

Trả lời: Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, các trường hợp sau, không bị coi là xâm phạm:

1. Sử dụng không nhằm mục đích thương mại như sử dụng cho cá nhân, đánh giá, phân tích, nghiên cứu hoặc giảng dạy. Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ, hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí này đang được bảo hộ.

2. Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ đã được tiếp nhận hoặc đặt hàng khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí đang được bảo hộ. Trường hợp nếu hành vi phân phối nhập khẩu được thực hiện sau khi đã biết về điều nói trên và người sử dụng đã trả cho chủ sở hữu một khoản tiền tương đương với khoản thanh toán cho việc chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí đó thì hành vi này cũng thuộc trường hợp loại trừ. (Điều 125.2 Luật SHTT)

Câu hỏi 93. Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện sau:

1. Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng gồm có cùng cấu tạo, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa và cách trình bày, hoặc tương tự gồm có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ.

2. Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng, hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng hệ thống tiêu thụ với hàng hoá thuộc danh mục, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, gây ấn tượng sai lệch rằng người sử dụng dấu hiệu là chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa hoặc có quan hệ với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa (quan hệ hợp đồng, quan hệ trực thuộc về vốn và các quan hệ khác). (Điều 11.3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Khi đánh giá các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn cần xem xét dưới góc độ là nhãn hiệu. Cần tránh việc xem xét nhãn hiệu trong tổng thể nhãn hàng, so sánh các yếu tố của nhãn hiệu với nhãn hàng. Vì nhãn hàng chứa đựng nhiều nội dung bắt buộc nên dễ lẫn lộn chức năng của nhãn hàng và chức năng của nhãn hiệu. Từ đó xem nhẹ các yếu tố trùng hoặc tương tự của các dâu hiệu làm nhãn hiệu.

Ví dụ những nhãn hiệu dưới đây bị Toà án Nhật Bản coi là xâm phạm:

Hình thức: “Libbys” và “LiLys”; “KKF” và “FKK”, “SPA” và “SPAR”.

Về phát âm: “Dhioru”; “Arinaru” và “Marinaru”, “Supotsu” và “Sports”; “Sinka” và “Shinga”, “Toby” và “Topy”.

Về nghĩa: “Tiger” và “Tora” (nghĩa là hổ); “Kenko” và “Herusu” (nghĩa là sức khỏe).

Câu hỏi 94. Đề nghị đánh giá, so sánh hai nhãn hiệu cụ thể để từ đó có thể kết luận tương tự, gây nhầm lẫn hay tương tự, nhưng không gây nhầm lẫn?

Trả lờì: Hãy phân tích, xem xét nhãn hiệu DUXIL và DEXYL.

Hai tên thuốc này dưới góc độ nhãn hiệu có gây nhầm lẫn hay không ?

“Duxil” là thuốc do Viện bào chế Công nghiệp Servier của Pháp sản xuất. Theo Cẩm nang sử dụng thuốc Việt Nam: “Duxil” được chỉ định trong trị liệu, điều chỉnh các triệu chứng giảm trí tuệ và bệnh lý ở người lớn tuổi (rối loạn chú ý, giảm trí nhớ, giảm tập trung, suy giảm các hoạt động trí tuệ). Được sử dụng trong và sau tai biến mach máu não. Được điều trị trong các rối loạn tiền đình (chóng mặt, giảm thính lực) hay võng mạc (giảm thị lực) do nguyên nhân mạch máu. Thuốc này được bán theo đơn của bác sỹ.

“Dexyl” có tên đầy đủ là Dexyl 0,5 do Công ty liên doanh dược phẩm Việt Nam sản xuất và đã được đăng ký bảo hộ NHHH với đăng ký số 21780. Cẩm nang sử dụng thuốc Việt Nam viết : Dexyl 0,5 điều trị tất cả tình trạng có chỉ định liệu pháp corticosteroid như là: các rối loạn dị ứng, hen phế quản, bệnh thấp khớp, bệnh tự miễn dịch. Thuốc này bán theo đơn của bác sỹ.

Có một quan điểm cho rằng hai nhãn hiệu đối với thuốc này gây nhầm lẫn ở mức độ nào đó về cách phát âm và cách thể hiện. Khi phát âm theo tiếng Anh thì hai tên này cũng na ná như nhau, nhất là có hậu tố với âm “xin”. Thêm vào đó cả hai loại hàng hoá này đều đăng ký ở nhóm 5- dược phẩm.

Sản xuất và lưu hành: Thuốc mang nhãn hiệu “DUXIL” do một công ty Pháp nhập vào VN. Thuốc mang nhãn hiệu “DEXYL” do một công ty liên doanh sản xuất và lưu hành tại VN.

Cách phát âm tên thuốc: Đây là yếu tố được cho là dễ gây nhầm lẫn nếu đọc chúng theo cách phát âm tiếng Anh. Duxil phiên âm bằng chữ Việt sẽ là “điu-xin”. Trong khi đó “Dexyl” sẽ là “Đi-xin”. Cả hai đều có hậu tố “xin”. Tuy nhiên rất nhiều tên thuốc có hậu tố “xin”, đặc biệt là kháng sinh. Tên hai loại thuốc khi được Việt hoá: “Duxil” được gọi là “đu-xin”, còn “Dexyl” được gọi là “đề-xin”.

Lưu hành: Cả hai loại thuốc này đều được bán theo đơn của bác sỹ, có ghi rõ liều dùng. Các bác sỹ khám, ghi đơn và dược sỹ bán thuốc đều phân biệt rõ hai loại thuốc này cả về tên gọi, cách đóng gói và chỉ định sử dụng. Một yếu tố quan trọng là hai loại thuốc này được dùng cho các chỉ định khác nhau.

Đóng gói và trình bày: Duxil: Trình bày dạng viên bao màu hồng hình thon dài, đóng gói dưới dạng vỉ 15 viên. hai vỉ trong một hộp giấy có kich thước 12cm x7,5 cm x1,5 cm, trên vỏ hộp có viêt chữ Duxil màu đỏ nổi bật.

Dexyl: tình bày dưới dạng viên nén màu trắng, một mặt có khía dấu chữ V, phía dưới có chữ số 0,5. Đóng gói 120 viên trong một lọ nhựa hình trụ, đường kính 3 cm, cao 5,5 cm. Trên vỏ có dán nhãn với dòng chữ Dexyl màu đen rất nổi bật.

Như vậy, từ những phân tích trên, cho thấy nhãn hiệu hàng hoá “Dexyl” và “Duxil” không tương tự tới mức gây nhầm lẫn.

Câu hỏi 95. Đề nghị giới thiệu một số nhãn hiệu hàng hoá bị coi là tương tự?

Trả lời: Một số nhãn hiêu hàng hoá bị cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản coi là tương tự về phát âm (cùng nhóm hàng hoá):

PARALOIDO PARAROID

BSRRIER BARIAN

SUPERLOID U-LOID

WED REX WEB TEX

THACT TAFT

COLOUR CHARM HI-CHARM

MONOLEX MOTOREX

KOPIX KOBEX

LBM LPM

MINIMAX MAX

XONDEX LONDEX

OLTASE ULTASE

Câu hỏi 96. Trường hợp nào thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nỗi tiếng?

Trả lời: Đối với nhãn hiệu nổi tiếng bị coi là có yếu tố xâm phạm khi:

1. Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự nhãn hiệu nỗi tiếng.

2. Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất, hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng, kể cả hàng hoá không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá dịch vụ mang nhãn nổi tiếng, nhưng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc, mối quan hệ của người sản xuất hàng hoá đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. (Điều 11.4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 97. Đề nghị cho biết hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý khi:

1. Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn đó.

2. Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý.

3. Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý cho hàng hoá không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, làm hiểu sai là hàng hoá đó có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

4. Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh không có xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng định nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo cho từng loại, kiểu, dáng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy. (Điều 129.3 Luật SHTT)

Câu hỏi 98. Hành vi nào bị coi là “sử dụng” chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Hành vi bị coi là “sử dụng” chỉ dẫn địa lý gồm:

1. Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh,

2. Lưu thông, chào bán, quảng cáo, tàng trữ nhằm để bán hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

3. Nhập khẩu hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. (Điều 124.7 Luật SHTT)

Câu hỏi 99. Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý là khi thoả mãn đồng thời hai điều kiện:

1. Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tuơng tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý,

2. Sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu các sản phẩm này giống nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.

Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng với chỉ dẫn đại lý khi giống với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ về cấu tạo từ ngữ (kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái), ý nghĩa, cách trình bày, hình ảnh, biểu tượng.

Dấu hiệu bị nghi ngờ tương tự với chỉ dẫn khi: cấu tạo từ ngữ (phát âm, phiên âm đối với chữ cái) ý nghĩa, hoặc hình ảnh, biểu tượng thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn đại lý. (Điều 12.3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 100. Thế nào hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp là hàng hoá, bao bì hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho chính mặt hàng đó mà không được cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Như vậy hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý (Điều 213 Luật SHTT)

Câu hỏi 101. Hành vi nào bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại?

Trả lời: Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại là hành vi: Gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ. (Điều 129.2 Luật SHTT)

Câu hỏi 102. Chỉ dẫn thương mại là gì?

Trả lời: Chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá và nhãn hàng hoá. (Điều 130.2 Luật SHTT).

Câu hỏi 103. Đề nghị cho biết yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại?

Trả lời: Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là:

1. Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ khi:

Dấu hiệu trùng với tên thương mại được bảo hộ về cấu tạo từ ngữ (kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái).

Dấu hiệu vị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo (kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái) gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ.

2. Sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tuơng tự với sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại nếu giống hoặc tương tự về bản chất, chức năng công dụng và kênh tiêu thụ. (Điều 13.3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

Câu hỏi 104. Đề nghị cho biết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Cạnh tranh không lành mạnh thể hiệ dưới hai dạng: cạnh tranh không lành mạnh về thương mại và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp.

Cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp là:

1. Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ.

2. Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá dịch vụ.

3. Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên có quy định cấm đại diện, đại lý sử dụng nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

4. Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ cuả người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng, nhằm chiếm giữ tên miền hoặc lợi dụng làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý. (Điều 130.1 Luật SHTT)

Câu hỏi 105. Thế nào là “sử dụng” tên thương mại?

Trả lời: “Sử dụng” tên thương mại là dùng tên thương mại để xưng danh trong hoạt động kinh doanh; thể hiện tên thương mại trong giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo. (Điều 124.6 Luật SHTT)

Câu hỏi 106. Thế nào là “sử dụng chỉ dẫn thương mại“ trong cạnh tranh không lành mạnh?

Trả lời: “Sử dụng chỉ dẫn thương mại” trong cạnh tranh không lành mạnh là gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hoá, bao bì, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo, bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó. (Điều 130.3 Luật SHTT)

Câu hỏi 107. Đề nghị cho biết hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh?

Trả lời: Những hành vi dưới đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với bí mật kinh doanh:

1. Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh.

2. Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.

3. Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui kiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm bộc lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh.

4. Tiếp cận, thu thập các thông thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này đệ trình theo thủ tục xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh, hoặc xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm (đặc biệt là dược phẩm và sản phẩm hoá nông), bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của các cơ quan có thẩm quyền.

5. Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu đuợc bằng một trong các hành vi xâm phạm quyền bí mật kinh doanh.

6. Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm theo quy định tại điều 128 của Luật SHTT (Điều 127.1 Luật SHTT)

Câu hỏi 108. Hành vi nào bị coi là sử dụng bí mật kinh doanh?

Trả lời: Sử dụng bí mật kinh doanh là các hành vi sau:

1. áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá.

2. Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh (Điều 124.4 Luật SHTT).

Câu hỏi 109. Đề nghị cho biết những hành vi nào trong việc sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp không bị coi là xâm phạm?

Trả lời: Bên cạnh các hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp bị coi là hành vi xâm phạm quyền, có những trường hợp ngoại lệ, tuy là hành vi sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm:

1. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được bảo hộ nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại; nhằm mục đích đánh giá, phân tích nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép nhập khẩu, sản xuất, lưu hành sản phẩm.

2. Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm đã được chủ sở hữu công nghiệp đưa ra thị trường (kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp), trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người đựoc phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường.

3. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

4. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do ngưới có quyền sử dụng trước thực hiện.

5. Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện.

6. Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ.

7. Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

8. Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, chất lượng, số lượng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

9. Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp.

10. Bộc lộ dữ liệu bí mật kinh doanh nhằm bảo vệ công chúng.

11. Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại.

12. Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập.

13. Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm đựơc phân phối một cách hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận nào khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc nguời bán hàng. (Điều 125 Luật SHTT)

Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện các hành vi trên.

Câu hỏi 110. Đề nghị cho biết một vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu trong xuất, nhập khẩu?

Trả lời: Xâm phạm về nhãn hiệu trong nhập khẩu cũng bị xử phạt. Sau đây là một vụ vi phạm điển hình.

Công ty ST.Group đã có đơn xin quá cảnh, có giấy phép quá cảnh do Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Khu vực cấp với số hàng 4.300 kiện thuốc lá mang nhãn hiệu “JET&Hình”, trị giá 645.000 USD. Công ty TNHH H. Đ (Việt Nam) có ký hợp đồng ủy thác vận chuyển 5 container thuốc lá mang nhãn hiệu này từ cửa khẩu Lao Bảo quá cảnh Việt Nam đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để xuất đi Tiểu Vương quốc A rập thống nhất (UAE).

Hàng đã vận chuyển từ cửa khẩu Lao Bảo đến cảng Tiên Sa để chuẩn bị xếp xuống tàu đi UAE. Công ty I. (đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty Sumatra- Indonexia ) có đơn đề nghị dừng làm thủ tục hải quan lô hàng trên vì có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Sumatra (Indonesia) đã được bảo hộ ở Việt Nam và Lào.

Căn cứ Luật Hải quan (Điều 40 về việc dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh), sau khi Công ty I. đáp ứng các yêu cầu của Luật Hải quan ( xuất trình chứng cứ vi phạm, nộp tiền ký quỹ tại ngân hàng), Chi cục Hải quan Cảng Tiên Sa đã ra Quyết định số 01/ ngày 08/01/2003 dừng làm thủ tục cho xuất hàng đi.

Đại diện các cơ quan nhà nước như: Cục Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Kinh tế Đà Nẵng, Cục Hải quan Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng, Thanh tra Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã chứng kiến việc mở cotainer để lấy mẫu thuốc lá gửi giám định tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Công ty HĐ bị xử phạt và lô hàng bị trả về nơi xuất phát.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây